con sâu
Tôi vốn vừa ghét vừa sợ những con sâu, thấy chúng là tôi
giết ngay. Năm ngoái tôi trồng một giàn bầu và một giàn mướp. Khi bầu mướp ra
hoa trắng vàng cả vườn thì cũng là lúc những con sẫu xuất hiện. Để sâu không
tàn phá hoa màu, tôi thường tìm giết sâu, vì tôi không dùng bất cứ loại thuốc
trừ sâu nào. Một hôm tôi đang đứng dưới giàn nhìn hoa lá và trời trong xanh,
chợt có một con sâu khá to lò dò bò theo giây leo của giây mướp. Tôi khựng
nhìn, và theo phản ứng định đi tìm gậy que bắt giết con sâu này. Nhưng mắt tôi
bị con sâu thu hút, lần đầu tiên tôi nhìn nó chăm chú. Da nó xanh nhạt, khoang
lốm đốm trắng vàng. Những cặp chân li ti điểm chút màu nâu đen của sâu di
chuyển đều đặn và nhẹ nhàng. Sâu đang dồn hết năng lực để đến cái hoa vàng là
thực phẩm của nó. Chắc chắn là sâu không biết có tôi đang theo dõi và chực giết
nó. Tôi động tâm nghĩ mọi loài trong trời đất đều đi tìm cái ăn để sinh tồn. Sự
sống trong trời đất là bình đẳng. Nếu tôi ỷ vào kiếp người mà giết sâu bọ thì
tôi thiếu công bằng, đôi khi còn ti tiện quá. Tôi chỉ có thể tự vệ chứ không
nên tấn công dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chỉ vì cái ăn mà phải giết chóc
tiêu diệt thì chiến tranh sẽ xảy ra mất. Những ý nghĩ này lần lượt lướt trong
đầu, và rồi tôi mặc kệ con sâu. Nếu trái bầu quả mướp nào sau này còn lại sẽ chính là thực phẩm của tôi. Tự hứa sẽ không bao giờ giết sâu bọ nữa.
Bẵng đi cả tuần lễ tôi không nghĩ ngợi gì về con sâu. Tôi
vẫn tưới nước xem hoa kết nụ. Rồi chợt khám phá ra tôi không nhìn thấy bất cứ
con sâu nào. Không hiểu chúng biến đi đâu, hay mắt tôi mờ quáng. Mấy lần tôi cố
vạch lá tìm sâu mà chẳng thấy. Thiệt là lạ.
Cả năm qua, chỉ có một lần tôi thấy thoáng một con sâu,
nhưng chưa kịp nhìn nó đã biến mất. Tôi biết sâu vẫn ở đâu đó quanh đây nhưng
không hiện ra trước mắt tôi thôi. Hoặc là trong mắt tôi có màng lọc để không
nhìn thấy sâu nữa. Âu cũng là một duyên may để tâm lòng tôi thanh thản…
cái ấm
Tôi có một cái ấm pha trà màu gan gà khá đẹp. Đó là cái ấm
của người Đài Loan tôi mua ở San Francisco năm 1987 với giá 130 mỹ kim. Ấm nhỏ
hơn nắm tay. Khi đổ đầy nước, bịt ngón tay lên cái lỗ nhỏ thông hơi trên nắp ấm
rồi đậy lại thì không có cách nào rót được nước ra ngoài. Đặt ấm vào thau nước,
bao giờ ấm cũng nổi lên bằng bặn. Tuy không quí giá lắm, nhưng cái ấm ấy đã
cùng tôi bầu bạn mấy chục năm rồi.
Buổi chiều cuối tháng 4/2013, trong khi pha trà, tôi bỗng lo
lắng cái ấm sẽ vỡ cụt vòi. Nỗi lo trở thành ý nghĩ ám ảnh. Tôi cẩn thận cất ấm
vào nơi an toàn hơn mọi khi. Nửa đêm hôm ấy tôi lò mò rót rượu tự thưởng cho
mình vì vừa làm được bài thơ. Không biết lóng ngóng thế nào tôi làm đổ một cái
chai. Trong đêm tối, tôi nghe được tiếng va chạm, và một tiếng vỡ. Thôi rồi cái
ấm! Tôi biết chắc cái ấm đã bị vỡ nên không bật đèn lên nhìn, chỉ lặng lẽ ra
vườn uống rượu. Niềm vui với bài thơ không bù được nỗi buồn buồn vì cái ấm vỡ. Tôi tự trách
sao lại để cái ấm gần cái chai…
Sáng ra, nhìn thấy vòi ấm vỡ đúng như tôi đã lo. Tôi giật
mình, thầm hỏi có phải chỉ là tình cờ, hay chính sự lo nghĩ trở thành hiện
thực? Dù thế nào, hiện tượng này đã làm tôi quyết định tập chỉ nghĩ đến sự lạc
quan tích cực, tuyệt đối không nghĩ đến sự bi quan tiêu cực nữa. Như nghĩ về những người thân thì chỉ ngĩ đến sự may mắn chứ không lo lắng về những rủi ro.
tvat
tvat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét