Tiếp theo bài:
Cao Bá Quát: tiếng hú dài cõi mộng
Bài thơ làm vào rằm tháng sáu, cách bài Đằng Tiên Ca đúng 10 tháng - mười con trăng đày đọa ở Thừa Thiên như thơ ông đã viết. Căn cứ vào đó ta biết được bấy giờ là năm Nhâm Dần 1842, ông trên dưới 33 tuổi; tuổi tráng niên đầy rẫy nội lực mà bị gió đời nhốt lại một nơi, thật khó mà chịu nổi vì buồn bực. Thơ gửi bạn cũng là thơ gửi chính mình, và người đời. Hơi thơ vẫn đi một mạch, mạnh mẽ và trong sáng, dù có phảng phất cái tù túng tức tối, nhưng ta không thấy sự thất vọng hay chán chường. Đó là một đặc điểm của thơ ông- đặc điểm của một trái tim đã say trong sông núi hồn thiêng. Tâm ông đã là tâm định. Cho dù mặt có đổi vì phong sương, thân có gầy vì bệnh hoạn, lòng có héo buồn vì nhớ thương; nhưng tâm quyết không bao giờ suy suyển. Khác với Tô Đông Pha: “tâm suy diện cải sấu chênh vênh”, khi nhà thơ này bị đày ở Hoàng Châu. Đọc bài Bệnh Trung sau đây ta thấy rõ điều đó hơn:
Bệnh Trung
Vị tử tàn hình nhất hủ nho
Cưỡng chi quyện cốt thiến nhân phù
Trắc thân thiên địa bi cô chưởng
Hồi thủ yên tiêu khuất tráng đồ
Hà nhật qui sào đồng yến yến
Tha thời tập uyển qui ô ô
Ái đồng bất thức Duy Ma bệnh
Sát vấn yêu vi sấu tổn vô
Nỗi buồn trong thơ thì man mác, mà hùng khí càng cao. Sự trách móc nhẹ nhàng, tâm đã cất cánh bay khỏi mặt đất. Ông cũng tự giễu mình chỉ là một bác đồ nho hủ lậu, thân tàn mà chưa chết.(chết thế nào được!). Ông tả cái tấm thân tàn ấy nghe rã mục làm sao! Đi đứng không vững, phải nhờ người nâng đỡ bám vịn.( Khác với ngày xưa, dù uống rượu say vẫn không cần bám vịn ai, tự mình thả bộ dọc con sông về nhà, xem bài bạc vãn túy qui Cao Bá Quát: về giữa tử sinh) Thế thì giữa trời đất bao la, giữa cuộc đời đầy cạm bẫy, phỏng tấm thân ấy làm nên trò trống gì ? Ông biết rõ lắm, khép mình nhìn sự cô đơn và cô độc, nghe tiếng vỗ tay của mình vọng lại, thấm thía đến tận xương tủy. Làm thế nào để có được sự “nhất hô bá ứng”? Cái đó thuộc về tâm lực của con người. Ngoảnh nhìn con đường khói mây mờ mịt, chí lớn chưa được thi thố vẫy vùng, mà nay đã ra người tay không tù ngục! Hỡi ơi đường bằng phẳng thì ít, và mập mờ. Đường xa thì trắc trở nhiêu khê. Cái khó là phải có bản lãnh và lòng dạ lớn. Ôi biết đến bao giờ mới về được trong tổ yên ấm như những con chim yến bé nhỏ, năm năm cứ đến mùa rét thì bay sang phương nam làm tổ mà sinh đẻ trong các mái nhà người. Ngày ấy, ngó sang vườn cây um tùm kia, bày quạ đang xúm xít cười đùa, thì lòng chim yến sẽ thẹn thùa hay thanh thản?
Cổ tích Việt Nam có chuyện đôi chim xanh se sẻ bị đày xuống trần gian. Mới đầu, hai con chim bỡ ngỡ đi theo quạ kiếm ăn. Nhưng sau thấy quạ, tổ nào cũng xục vào ăn, lại ăn cả những đồ hôi thối bẩn thỉu; hai con chim xanh bàn với nhau rằng: Ta theo quạ, nghĩ rằng có lợi, song lợi mình ta, mà hại cả đến đồng loại, lòng ta thật áy náy không yên chút nào. Rồi hai con liền bỏ quạ, đi theo khướu. Sau thấy khướu khi thì kêu theo tiếng con này, khi lại kêu theo tiếng con kia; bất cứ con nào cũng bắt chước hót được cả; mới lại bàn với nhau: Ta theo khướu, nghĩ rằng có tiếng. Nhưng ta xem, gì nó hót cũng được, không phải là bậc chính đính; vì ở đời việc phải chăng đâu cũng là một, chẳng khi nào phân được hai nhẽ. Vậy ta sợ cứ theo nó hoài, chẳng những không có tiếng gì cho ta, mà lại mang tiếng xấu nữa. Sẻ xanh bàn rồi, trước đã bỏ một anh tham ăn, giờ lại bỏ một anh hay hót. Rốt cuộc đôi chim không theo ai, đậu nơi cành mai lá trúc, kiếm vừa đủ ăn, thảnh thơi ca hát. (Theo Nguyễn Văn Ngọc: Truyện Cổ Việt Nam tập 2).
Đọc truyện này thì thấy ý Cao Bá Quát rất rõ rệt. Ông không muốn theo đuôi quạ và khiếu, hiện là những thế lực được ưu đãi trong xã hội chuyên chế. Ông đã khước từ, và bước đi trong cô đơn và bạc đãi. Nhưng ông lại phát đại nguyện không đi tìm thanh nhàn một mình. Đó cũng là đại nguyện của cư sĩ Duy Ma Cật, quán niệm về sự buông bỏ (xả kỷ), mà vẫn làm các việc thiện; quán niệm về vô hành, mà vẫn hành động; quán niệm về không, mà vẫn lấy có làm phương tiện. Thế thì việc chữa văn cho các thí sinh là một hành động đã được suy gẫm, và ông sẵn sàng chịu tất cả mọi hậu quả của việc mình làm. Hai câu kết của bài thơ thật là một cái cười rất mực chất phác chịu đựng của ông – y hệt cái cười của người làm ruộng, lo lắng trăm bề; đến khi về thì người nhà đón hỏi sao trông phờ phạc gầy mòn thế! Cậu bé người nhà theo chăm sóc ông cũng thế, cứ săn hỏi vòng đai lưng có gầy đi phần nào không? Ông chỉ biết cười cười.
Trong Lúc Ốm Đau
Bác đồ gàn thân tàn chưa chết
Gượng nắm xương lê lết nhờ người
Vỗ tay không tiếng đáp lời
Buồn trông mây khói che mờ chí trai
Bao giờ về theo đàn chim yến
Ngoảnh mặt xem quạ đến vườn xanh
Hỏi ta sao cứ gầy nhanh
Ta còn muốn độ chúng sanh qua bờ.
tường vũ anh thy 1982 (trích Cao Bá Quát: Giữa Hồn Thiêng Sông Núi, Ức Trai xuất bản 1985 )