điêu khắc

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Thằng Cuội / cổ tích mùa trung thu





Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời ông trăng

Đó là câu ca kể thân thế Thằng Cuội. Hình ảnh của Cuội gắn liền với cây đa và con trâu. Tình cảnh của Cuội là đứa bé mồ côi cha mẹ, phải đi chăn trâu cho người kiếm ăn. Khi cha mẹ Cuội mới chết, nó sống với chú thím trong làng. Dĩ nhiên Cuội không được đi học, không được ăn sung mặc sướng, không được dạy dỗ săn sóc như những đứa trẻ còn cha mẹ. Bà thím của Cuội lại khắt khe, bắt ne bắt nẹt Cuội đủ điều. Ông chú của Cuội tuy thương cháu, nhưng sợ vợ nên không giúp gì được.Vì sớm phải đương đầu với cuộc sống khó khăn, Cuội trở thành đứa bé ranh mãnh, biết nói dối để che đậy lầm lỗi sơ hở, biết nói láo để lừa người kiếm lợi…Cuội lớn lên trong lừa đảo dối trá, đến nỗi người ta phải bảo: “dối như cuội”. Hoặc “nói cuội”, hoặc ngắn gọn cộc lốc: “cuội”! …đều có nghĩa là lừa dối, láo khoét!
Trong dân gian có nhiều giai thoại về Thằng Cuội. Thậm chí biến Cuội thành nhân vật khôi hài, đem tài dối trá lừa lọc ra đối phó với gia đình làng nước. Vạch mặt trái của xã hội trọng bề mặt. Nhất là từ lúc Cuội phạm tội, bị bà thím bắt quả tang, đem bỏ Cuội vào rọ ngâm xuống sông. Nhờ tài dối trá, Cuội thoát nạn, bỏ đi sống du thủ du thực.
Một hôm Cuội ngủ trên cây đa rất xa làng mình. Nó mơ thấy có rất nhiều chim bị thương tích trầm trọng xúm xít trên ngọn cây. Cuội định bụng tóm cổ mấy con chim để nướng ăn. Nó rình xem thì thấy các con chim tíu tít ăn lá non, và mớm đắp lá trên những vết thương. Chỉ thoáng chốc, chim nào cũng lành lặn bay đi. Lũ lượt hết đợt chim này đến đợt chim khác. Sốt ruột, Cuội chụp đại một con chim bị thương vừa bay lết đến. Chim hốt hoảng rơi kéo theo Cuội ngã nhào xuống gốc. Tỉnh dậy, Cuội thấy mình đang nằm dưới gốc cây thật, khắp người đau đớn ê ẩm, một chân bị gãy. Cuội nhớ lại giấc mơ, bèn cố leo lên cây đa tìm lá non. Quả nhiên là những chiếc lá thần diệu! Vì Cuội vừa nhai nuốt vài lá đã thấy khỏe khoắn lành lặn. Nó mừng rú, biết rằng từ nay nó sẽ nhờ lá đa mà sống. Với đầu óc liến láu, Cuội nghĩ ngay ra nhiều phương cách trở về phá phách xóm làng. Trước hết, nó hái một nắm lá đa non cất vào túi, rồi lững thững bước.
Tới làng, Cuội rón rén thăm dò nhà chú thím nó. Con trâu vẫn ở trong chuồng. Cuội bèn lấy vôi bột ném vào mắt trâu. Trâu đau đớn lồng lên, húc bứa bừa, và xổng ra đường. Thế là cả làng náo loạn. Người ta thật vất vả mới bắt lại được con trâu. Nhưng có hai trẻ em và hai người lớn bị thương; còn trâu vẫn đau đớn lồng lộn. Chú thím Cuội lo lắng lắm, không biết phải xử trí ra sao. Bấy giờ Cuội mới đủng đỉnh xuất hiện. Cuội nói nó mới học được  phép thuốc tiên, chữa được bá bệnh. Người làng không tin, toan đuổi đánh Cuội. Nhưng chú thím Cuội đang tuyệt vọng, lại không ngờ Cuội còn sống, nên xin cho nó thử phép tiên, nếu không hiệu nghiệm sẽ trị tội một thể. Thế là Cuội trổ tài. Không ai ngờ thằng Cuội lần này nói thật. Phép thuốc tiên của nó công hiệu phi thường. Trong khoảng thời gian chưa nhai giập bã trầu, Cuội đã chữa lành hai đứa trẻ, hai người đàn ông, và con trâu.
Từ đó Cuội được cả làng nể vì, thương mến. Bất cứ ai bị thương tích bệnh hoạn cũng đều tìm đến nhờ Cuội cứu chữa. Và nhờ chữa trị cho thiên hạ, cho cả các con vật, Cuội bỗng trở nên thương người thương vật. Tuy Cuội không nói thật phương pháp trị liệu bằng lá đa non kỳ diệu kia, nhưng nó không còn phá phách lừa đảo ai nữa. Hàng ngày Cuội vẫn chăn trâu một mình, ngẫm nghĩ về cái lá đa non, ít chơi với trẻ cùng lứa.  Bọn trẻ ganh ghét rình rập tìm cách hại Cuội. Nhưng Cuội rất tinh khôn nên chúng chưa làm gì được.
Một hôm Cuội buộc trâu vào gốc cây đa kỳ dị ở làng kia để đi cắt cỏ ngon cho trâu. Bọn trẻ ganh ghét Cuội thừa dịp nó mải mê cắt cỏ, phóng uế vào chỗ nằm của Cuội dưới gốc cây đa. Ai ngờ trời bỗng nổi giông gió, và cây đa trốc rễ bay lên. Thằng Cuội hoảng hốt chạy đến níu lấy rễ đa. Nhưng cây đa vẫn lừng lững bay cao, kéo theo cả Cuội và con trâu. Cây bay mãi, bay mãi, tới tận mặt trăng mới dừng lại. Và vì thế Cuội ở cung trăng với cây đa và con trâu, không xuống trần gian được nữa.

Câu chuyện nửa cổ tích nửa thần thoại về Thằng Cuội được kể dưới nhiều dạng khác nhau. Những đêm trăng sáng, người lớn thường chỉ cho các em bé hình ảnh Thằng Cuội, Cây Đa, và Con Trâu; rồi kể chuyện. Người Trung Hoa nhìn trăng với hình ảnh nàng Hằng Nga, cây quế, con thỏ…Sự khác biệt đó đã nói lên phần nào quan điểm của mỗi dân tộc. Thường thì người Việt gọi trăng bằng ông: ông trăng/ông giăng. Chữ ông chỉ có nghĩa là đại danh từ được tôn trọng như ông trời, ông hổ, ông sấm, ông sét…chứ không phân biệt nam tính hay nữ tính. Ta có câu hát:
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau vỡ đầu
Mười ông trăng để đối với mười mặt trời (quạ vàng) trong chuyện tích Hằng Nga của Trung Hoa, cũng tranh nhau nhưng rất tức cười.
Có nhiều lối lý giải chuyện Thằng Cuội, tùy khuynh hướng chính trị, triết học hay văn học. Nhưng tựu trung người ta muốn kết luận rằng: “Con người, nhất là trẻ em, nếu bị áp bức, nghi ngờ, có thể trở nên bướng bỉnh và dối trá. Ngược lại, nếu được đối đãi công bằng, tin tưởng, sẽ thành lương thiện, có ích cho xã hội.” Hay nói cách khác : “Con người xấu hay tốt, tùy theo hoàn cảnh giáo dục, và môi trường xã hội.”
Chúng tôi muốn thêm vào đoạn cuối chuyện tích Thằng Cuội như sau: “ Thằng Cuội, và con trâu bị cây đa kéo bay lên mặt trăng vào đúng ngày rằm tháng tám. Cả làng thương tiếc, cả bọn trẻ tinh nghịch quái ác kia cũng ân hận. Chính chúng rủ nhau đốt đèn trong đêm trung thu để Thằng Cuội trên cung trăng nhìn thấy chúng tạ lỗi, và cũng để Thằng Cuội đỡ buồn. Lâu dần thành lệ, trẻ em cứ đến Tết Trung Thu là rước đèn khắp xóm làng, kỷ niêm Cuội, và vui chơi với Cuội.”
Cuội còn có nghĩa là hòn đá được nước bào mòn ngoài sông suối. Thằng Cuội, cùng với Thằng Bờm, Thằng Mõ ...đều đã đi vào đời sống, và văn học dân gian Việt.

tường vũ anh thy/ kể lại vào mùa trăng thu 2012


Không có nhận xét nào: